Châm cứu là gì?

Châm cứu và dược thảo là một hệ thống chữa bệnh hoàn hảo đã được người Á Châu sử dụng từ n ngàn năm qua.

Trong kỹ thuật châm cứu, bác sĩ dùng những chiếc kim cứng và thật mảnh như sợi tóc để châm xuyên qua da, đi thẳng vào các huyệt đạo, sâu hay cạn tùy thuộc vào bệnh trạng và vị trí của huyệt. Các kim châm cứu này, ngoài sự sử dụng khéo léo của bác sĩ, đôi khi còn được kích thích bởi các dòng điện cực nhỏ.

Châm cứu có tác dụng như thế nào đối với cơ thể?

Y học cổ truyền cho rằng một cơ thể khỏe mạnh cần phải có sự cân bằng giữa 2 cực đối lập và không thể tách rời đó là Âm và Dương. Âm tượng trưng cho cái lạnh, chậm, và sự trầm lặng; trong khi Dương tượng trưng cho sự nồng ấm và sôi nổi. Ta cảm thấy không khỏe, hay bệnh là do sự mất cân bằng giữa Âm và Dương bên trong cơ thể. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến tắc nghẽn đường truyền năng lượng cần cho sự sống trong kinh mạch. Châm cứu để kích thích các nguyệt đạo nhằm khai thông kinh mạch và làm khí huyết lưu thông, điều hòa, đẩy lùi bệnh tật một cách tự nhiên.
Thông thường, cơ thể con người có khả năng tự phục hồi; tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cơ thể không thể tự phục hồi và dẫn đến bệnh tình kéo dài kinh niên. Châm cứu có thể khởi động và điều chỉnh lại quá trình hồi phục này bằng cách ổn định dòng chảy của kinh mạch trong cơ thể. Dòng chảy này hoạt động như một mạng lưới giao tiếp giữa tất cả các cơ quan trong cơ thể và có chức năng phục hồi cũng như bình thường hóa chúng.
Dưới cái nhìn của Tây Y, châm cứu có tác dụng tốt với hệ thống thần kinh. Nó làm giảm cảm giác đau đớn, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu mà không phải dùng đến thuốc giảm đau. Các công cuộc nghiên cứu cho thấy châm cứu còn giúp não bộ giải phóng các kích thích tố, và hóa chất dẫn truyền thần kinh, làm êm dịu hệ thống thần kinh, và do đó tạo sự tác động lên những phần trung tâm của hệ thống thần kinh liên quan đến cảm giác và hoạt động.


châm cứu có tác dụng như thế nào?